Hậu quả Nội_chiến_Hoa_Kỳ

Kết quả

Toàn thể người nô lệ tại các tiểu bang miền Nam được thả tự do. Nô lệ tại các tiểu bang ranh giới, kể cả Washington, D.C., được trả tự do vào mùa xuân năm 1865. Khoảng 4 triệu người nô lệ được phóng thích.

Khoảng 970,000 người bị tử thương, gần 3 phần trăm tổng số dân Mỹ - trong đó 620,000 là binh sĩ chết trận hay vì bệnh tật.[19] Số binh sĩ tử trận trong Nội chiến Hoa Kỳ cao hơn tổng số lính chết trong những chiến cuộc khác của quân Hoa Kỳ.[20] Ngày nay người ta vẫn còn tranh cãi về nguyên nhân và tên gọi cuộc chiến đẫm máu này. Căn cứ theo thống kê dân số năm 1860, 8% người nam da trắng Mỹ tuổi từ 13 đến 43 chết trong cuộc nội chiến (6% miền Bắc và 18% miền Nam).[21]

Quân phục binh sĩ Liên Bang trong Nội chiến Hoa Kỳ năm 1863

Sau khi chiến cuộc kết thúc, người ta vẫn tranh cãi vấn đề quân miền Nam có cơ hội chiến thắng hay không. Nhiều học giả cho rằng miền Bắc quá hùng mạnh và quân miền Nam không bao giờ có hy vọng chiến thắng, chỉ đánh để đình hoãn thất bại. Trong phim tài liệu về Nội chiến Hoa Kỳ của Ken Burns, sử gia Shelby Foote tổng kết: "Tôi nghĩ miền Bắc đánh trận chấp một tay sau lưng. Nhỡ khi miền Nam thắng nhiều trận, nhiều hơn nữa, thì miền Bắc sẽ lôi tiếp tay sau lưng ra mà đánh. Tôi không nghĩ miền Nam có cơ hội nào thắng được cuộc chiến." [22] Lực lượng miền Nam cố gắng giữ độc lập bằng cách chờ cho Lincoln hết nhiệm kỳ. Nhưng sau khi Sherman phá được Atlanta, Lincoln thắng cử lần thứ nhì thì hy vọng chiến thắng chính trị của miền Nam tan biến. Lincoln đoạt nhiều thắng lợi lớn, được thêm ủng hộ từ các tiểu bang ranh giới, từ phe chủ chiến trong Đảng Dân chủ, từ các nô lệ được giải phóng và từ các nước ngoài như Anh và Pháp. Lincoln đánh bại McClellan và Đảng Dân chủ, đồng thời dập tắt nhóm chủ hòa Copperheads [23]. Ngoài ra, Lincoln có tướng tài như Grant và Sherman, sẵn sàng đẩy hết quân lực hùng hậu, không sợ tốn lính. Những vị tướng không sợ đổ máu đã đem lại chiến thắng. Đến cuối năm 1864 mọi hy vọng chiến thắng của miền Nam đều tan biến.

Theo James McPherson thì miền Bắc nhờ có lực lượng hùng hậu, tài nguyên nhiều nên khả năng chiến thắng cao hơn, nhưng không thể gọi là tất thắng được. Trong nhiều chiến tranh khác, phe ít lính, thiếu súng đạn vẫn có thể thắng (như Chiến tranh giành độc lập Hoa Kỳ hoặc cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam). Quân miền Nam đáng lý không nên tấn công miền Bắc mà chỉ nên phòng thủ kéo dài cuộc chiến, dùng chiến lược tiêu hao làm lung lay tinh thần chiến đấu của người miền Bắc. Quân miền Bắc phải tấn công, chiếm giữ và kiểm soát một lãnh thổ quá to lớn, sẽ bị tốn thất rất nhiều về người và của. Khi dân miền Bắc thấy rằng cái giá của cuộc chiến là quá đắt, họ sẽ muốn đình chiến và khi đó miền Nam có thể tách ra độc lập[24]

Giai đoạn hậu chiến

Trấn áp tàn dư của Hợp bang miền Nam

Các lễ hội ăn mừng thắng lợi ở miền Bắc bắt đầu từ ngày 10/4, nhưng chỉ diễn ra một thời gian ngắn thì đột nhiên chấm dứt với sự kiện tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát ngày 14-4-1865. Andrew Johnson của tiểu bang Tennessee lên kế nhiệm.

Đối với tù binh của quân đội miền Nam, tuy không có ai bị xử tử, song tất cả phải trải qua giam giữ trong khoảng 2-4 năm cho tới khi một đạo luật ân xá được thông qua vào tháng 5/1866. Tuy nhiên, phải thêm 6 năm sau đó, những tù binh này mới được trao lại quyền công dân theo đạo luật năm 1872, tuy nhiên luật ân xá này không áp dụng với 500 chỉ huy quân sự cao cấp của Hợp bang miền Nam[25]

Giới lãnh đạo miền Bắc đồng ý rằng chiến thắng thực sự không thể dừng lại khi chiến cuộc chấm dứt mà phải tiếp tục cho đến khi đạt được hai mục đích: một là dập tắt hoàn toàn các chính quyền ly khai, hai là giải thể hoàn toàn hệ thống nô lệ dưới mọi hình thức. Tuy vậy, giữa các chính giới lại có nhiều quan điểm khác nhau về phương cách thực hiện hai mục đích này. Họ cũng tranh cãi gay go về vai trò của miền Bắc trong cuộc kiểm soát miền Nam sau cuộc chiến, và làm thế nào cho miền Nam kết hợp trở lại với Chính phủ liên bang. Nhóm cấp tiến trong đảng Cộng hòa đang kiểm soát Nghị viện như Thaddeus Stevens, Charles SummerBenjamin Wade, chủ trương phải nhanh chóng triệt hạ giới chủ nô, tiêu diệt những mầm mống chống đối còn sót lại ở miền Nam và muốn các định chế của miền Nam phải được thay đổi cấp tốc.

Andrew Johnson và nghị viện miền Bắc tiến hành mở rộng quyền dân sự cho người da đen, đồng thời ngăn cấm những thành viên của Hợp bang miền Nam giành lại quyền lực. Họ phái quân đội tới miền Nam để ngăn chặn những người da trắng từng chống đối Liên bang đăng ký hoặc tham gia bầu cử. Việc triển khai quân đội là biện pháp chính yếu để thiết lập chính quyền mới ở các bang miền Nam, cũng như dùng vũ lực đàn áp những cử tri da trắng và da đen chống lại Liên bang[26]. Việc này gây căm phẫn cho người da trắng miền Nam, dẫn rới sự ra đời phong trào Ku Klux Klan (3K) và nhiều nhóm theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Vào năm 1870, sự hỗn loạn do tàn dư của quân miền Nam gây ra tăng mạnh, dẫn tới việc thông qua các Đạo luật Cưỡng chế năm 1870 và 1871 trừng phạt nghiêm khắc những đối tượng âm mưu tước đoạt những quyền dân sự của người nô lệ da đen vừa được giải phóng. Tuy nhiên, các nỗ lực trấn áp không đủ mạnh, người da trắng các bang miền Nam bắt đầu bầu các chính khách có tư tưởng phân biệt chủng tộc vào các chức vụ, và ngầm hăm dọa người da đen đi bỏ phiếu hay cố gắng nắm giữ các chức vụ quản lý nhà nước[4].

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1876, Rutherford B. Hayes đã hứa rút quân đội liên bang đồn trú tại miền Nam như một sự mặc cả để giành chiến thắng. Vào năm 1877, Hayes đã thực thi lời hứa của mình, đây là sự ngầm từ bỏ trách nhiệm của chính phủ liên bang nhằm thi hành các quyền dân sự của người da đen. 25 năm sau đó, các bang miền Nam đã đề ra rất nhiều các đạo luật mang nặng sự phân biệt chủng tộc, khiến người da đen tuy thoát kiếp nô lệ nhưng vẫn phải đối diện với đời sống khó khăn, cực khổ bởi sự kì thị và phân biệt đối xử bởi người da trắng cho đến tận cuối thế kỷ 20[4].

Sự trả thù của Ku Klux Klan

Biếm họa trong báo Independent Monitor (Tuscaloosa, Alabama, 1868) đe dọa rằng Ku Klux Klan sẽ treo cổ các chính khách người miền Bắc nếu họ tới miền Nam nhậm chức.

Sáu cựu chiến binh miền Nam từ Pulaski, Tennessee đã tạo ra tổ chức Ku Klux Klan vào 24 tháng 12 năm 1865, trong quá trình tái thiết của miền Nam sau cuộc Nội chiến. Nhóm này được biết đến trong một thời gian ngắn là "Ku Klux Klan".

Các nhà sử học thường phân loại các KKK như là một phần của cuộc trả thù bạo lực sau Nội chiến, không chỉ vì số lượng cao thành viên là các cựu chiến binh miền Nam, mà còn vì nỗ lực của KKK để kiểm soát xã hội bằng cách sử dụng các phương tiện phi pháp để khôi phục uy quyền tối cao của người da trắng. Trong năm 1866, Thống đốc Mississippi William L. Sharkey báo cáo rằng sự hỗn loạn, thiếu kiểm soát, và vô luật pháp đã trở nên tràn lan; ở một số bang, các nhóm vũ trang của lính miền Nam lang thang đã sử dụng bạo lực công khai chống lại người da đen. Họ đốt nhà, tấn công và giết người da đen, để lại cơ thể của họ trên đường.[27]

Trong một cuộc phỏng vấn báo chí năm 1868, Bedford Forrest đã tuyên bố hùng hồn rằng Klan là một tổ chức rộng lớn trải khắp Liên bang, với hơn 550.000 hội viên và rằng ông ta không phải là hội viên của Klan, mà ông chỉ bày tỏ sự ủng hộ đối với sứ mệnh của họ và chung sức cùng cộng tác với họ để hoàn thành sứ mệnh đó mà thôi. Và chính ông có thể tập hợp được 4 vạn hội viên Klan mà chỉ cần báo trước 5 ngày.

KKK đã tiến hành một chiến dịch khủng bố chết chóc để ngăn chặn quyền được bầu cử của người da đen. Hơn 2.000 người đã thiệt mạng hoặc bị thương chỉ riêng ở Louisiana trong vòng một vài tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 năm 1868. KKK cũng đã giết hoặc làm bị thương hơn 200 đảng viên Cộng hòa da đen.[28] Hoạt động của KKK đến năm 1871 mới cơ bản bị trấn áp.

Nạn phân biệt chủng tộc và sự chia rẽ tiếp diễn

Cuộc tái thiết đất nước Hoa Kỳ sau cuộc nội chiến kéo dài cho đến năm 1877 (Thỏa ước 1877). Điều này dẫn tới gồm nhiều đợt thay đổi phức tạp trong chính sách từ liên bang đến tiểu bang. Ba điều được thay đổi trong Hiến pháp Hoa Kỳ: điều XIII (giải thể nô lệ), điều XIV (chính phủ liên bang có nhiệm vụ bảo vệ công lý cho mọi công dân bất kể sắc tộc) và điều XV (xóa bỏ kỳ thị chủng tộc trong việc bỏ phiếu bầu cử). Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm 1876 diễn ra không suôn sẻ, các bang miền Nam bất mãn với chính phủ miền Bắc nổi dậy đòi lại quyền lực, thường là bằng bạo lực.

Cuộc chiến tranh đẫm máu đã dẫn tới thành quả là người da đen khỏi khỏi kiếp nô lệ, đây là thành quả to lớn nhất của cuộc chiến. Khi Tu chính án thứ Mười ba của Hiến pháp Hoa Kỳ được thông qua năm 1865, tất cả nô lệ da đen được trả tự do. Nhưng người da đen vẫn không được trao quyền bình đẳng như người da trắng. Nạn kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ vẫn tiếp tục kéo dài, người da đen vẫn phải sống trong nghèo túng, thất học và bị coi là "công dân hạng hai". Chẳng bao lâu sau khi Lincoln bị ám sát, các bang miền Nam mà người da trắng mới giành lại quyền lực cho áp đặt những điều luật hạn chế quyền bầu cử để gạt bỏ người da đen khỏi các cuộc bầu cử. Trước đây Chính phủ liên bang miền Bắc đã ủng hộ những hình phạt tàn nhẫn chống lại các thủ lĩnh da trắng miền Nam, nhưng sau đó, vì những tính toán chính trị, họ lại làm ngơ cho những điều luật phân biệt chủng tộc chống người da đen.

Trong thời kỳ Tái thiết, người Mỹ gốc Phi ở miền Nam giành được quyền bầu cử và nắm giữ các chức vụ công, cũng như hưởng được một số quyền dân sự mà trước đây họ bị khước từ. Thế nhưng, khi Thời kỳ Tái thiết chấm dứt vào năm 1877, giới chủ đất miền Nam áp đặt một thể chế mới nhằm tước bỏ quyền công dân của người da đen và theo đuổi chủ trương phân biệt chủng tộc, từ đó bùng phát làn sóng khủng bố và áp bức, thể hiện qua các hình thức như xử tử bởi đám đông bạo hành mà không cần xét xử (lynching) và bạo hành trong đêm.

Trong thập niên cuối của thế kỷ 19 ở Hoa Kỳ, các luật lệ kỳ thị và các cuộc bạo hành chủng tộc nhắm vào người Mỹ gốc Phi bắt đầu nở rộ. Giới cầm quyền được bầu cử, bổ nhiệm hoặc tuyển dụng bởi công dân da trắng khởi sự ban hành hoặc đỡ đầu các biện pháp kỳ thị, nhất là ở các tiểu bang Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama, Georgia, Florida, Nam Carolina, Bắc Carolina, Virginia, Arkansas, Tennessee, OklahomaKansas.

Có bốn đạo luật mang tính kỳ thị hoặc cho phép kỳ thị chống lại người Mỹ gốc Phi được tán thành bởi phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong vụ án Plessy vs. Ferguson năm 1896 – cho phép chính quyền địa phương áp chế hoặc tước bỏ quyền bầu cử của người da đen tại các tiểu bang, khước từ các quyền của người da đen, công nhận việc phân biệt đối xử với người da đen tại các cơ sở giáo dục công lập, bệnh viện, giao thông và tuyển dụng việc làm, bao che các hành vi bạo lực cá nhân hay tập thể nhắm vào người da đen. Mặc dù sự kỳ thị hiện hữu trên toàn quốc, hệ thống phân biệt chủng tộc trong các lĩnh vực luật pháp, kinh tế, xã hội và các chuỗi bạo động chống lại người Mỹ gốc Phi ở các tiểu bang miền nam được biết đến nhiều nhất dưới tên "Đạo luật Jim Crow". Luật Jim Crow ở các bang miền Nam công khai xác nhận sự phân biệt chủng tộc ở các trường công, cấm hoặc hạn chế người da đen vào nhiều khu vực công cộng như quán ăn, công viên và khách sạn; phủ nhận quyền của phần lớn người da đen được đi bỏ phiếu bằng việc đánh các loại thuế thân và thực hiện các cuộc kiểm tra tình trạng biết đọc biết viết một cách tùy tiện[4].

Một số nhà sử học phê phán Công cuộc Tái thiết sau khi nội chiến kết thúc là một thất bại của nước Mỹ, với xung đột chính trị, tham nhũng và thụt lùi trong việc bảo vệ người da đen. Công cuộc Tái thiết đã không đạt được những mục tiêu cao cả đề ra mà nước Mỹ còn rơi vào tình trạng phân biệt chủng tộc nguy hiểm. Nô lệ đã có tự do nhưng miền Bắc hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu kinh tế của họ. Cục Phụ trách Nô lệ được giải phóng không có khả năng đem lại cơ hội về kinh tế và chính trị cho người nô lệ được trả tự do. Quân đội liên bang đồn trú thậm chí không bảo vệ người da đen trước bạo lực và đe dọa. Điều này chỉ thay đổi cho đến khi phong trào dân quyền bùng nổ vào thập niên 1960, khi người da đen đoàn kết lại để gây sức ép chính trị đòi quyền bình đẳng[5]. Bên cạnh đó, tâm lý nghi kỵ với các chính khách miền Nam vẫn dai dẳng, và phải 100 năm sau, nước Mỹ mới có một tổng thống xuất thân từ miền Nam là Lyndon Johnson (nắm quyền giai đoạn 1963-1969).